Bạn chuẩn bị chuyến du lịch bằng xe đạp? Hoặc đơn giản chỉ muốn chuyển chiếc xe đạp đến một nơi khá xa mà không thể sử dụng xe máy?
Đóng thùng chiếc xe đạp lại trước khi vận chuyển là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn không gây hư hỏng các phụ tùng xe và làm trầy xước xe, hoặc cũng có thể tiết kiệm một ít chi phí vì giảm thiểu thể tích chiếc xe đấy!
Đặc biệt đối với một số hình thức vận chuyển như các đơn vị hàng không bắt buộc bạn phải đóng gói chiếc xe đạp trước khi mang ra sân bay. Trong chuyến du lịch Sài Gòn - đảo Phú Quý bằng xe đạp cuối năm 2020 vừa rồi của mình, mình mang theo chiếc xe đạp qua nhà xe Phương Trang, họ cũng yêu cầu mình phải tháo gỡ một số phụ tùng trước khi để vào gầm xe khách.
Nghe có vẻ căng thẳng nhỉ? Nhưng hãy yên tâm, chỉ cần trải qua 1 lần, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi tháo gỡ & đóng gói chiếc xe đạp cho những chuyến du lịch sau thôi. Cảm giác được vi vu đến vùng đất mới trên chiếc xe đạp thật tuyệt vời phải không? Và điều đó thật xứng đáng để chúng ta cùng tìm hiểu những nội dung sau đây.
Những thông tin được chia sẻ dưới đây là đúc kết từ kinh nghiệm du lịch xe đạp của bản thân mình từ năm 2018 và tham khảo từ các nguồn nước ngoài lẫn từ các anh/chị có kinh nghiệm chia sẻ lại.
Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn cách đóng gói xe đạp tiết kiệm nhất bằng các vật liệu sẵn có như: thùng carton, mút, xốp, băng keo giấy (Các vật liệu này có thể dễ dàng tìm kiếm tại các cửa hàng bán xe đạp gần nhà bạn đó).
Ở những bài viết sau, mình sẽ giới thiệu đến các bộ sản phẩm bảo vệ chuyên dụng trong đóng gói & vận chuyển xe đạp nhé.
Hiện nay có 2 hình thức vận chuyển xe đạp phổ biến là: 1. Đường hàng không
Đa số tất cả hãng hàng không đều chấp nhận vận chuyển xe đạp đã được đóng thùng.
Tại sân bay không cung cấp sẵn thùng carton, bắt buộc phải đóng thùng tại nhà.
Xe đạp là loại hành lý cồng kềnh, ngoài việc mua thêm gói hành lý ký gửi, bạn sẽ cần thông báo với hãng bay lúc đăng ký vé hoặc trước 24 tiếng giờ bay dự kiến.
Chi phí dao động 200,000 - 250,000đ/thùng.
Mỗi thùng hàng không được quá 32kg & tổng kích thước 3 chiều không quá 203cm (= dài + rộng + cao) => Các loại thùng carton từ các hãng xe đạp sẽ là lựa chọn tuyệt vời nhất (Kích thước tiêu chuẩn được các hãng hàng không chấp nhận: D140 x R30 x C75).
A. Đối với các dòng xe đạp bánh lớn (size bánh 26"/27.5"/29"/700c)
Phải tháo bánh xe trước, ràng bánh xe trước vào bên hông sườn xe bằng dây rút.
Tháo rời ghi đông (handle bar) và cố định theo chiều đứng vào khung sườn bằng dây rút (Cố định vào bên sườn đối ngược với bên sườn đã ràng bánh xe trước, ví dụ thường mình rằng bánh xe trước vào bên sườn phải và ghi đông vào bên sườn trái).
Xoay pô tăng (stem) vào phía trong.
Cần tháo pedal (bàn đạp).
Cần tháo chắn bùn bánh xe trước/sau.
Cần tháo cốt yên xe (Seat post).
Cần xì hơi lốp xe.
Cần chèn các tấm mút hoặc xốp che vị trí trên khung sườn (sườn trên, sườn dưới, sườn cốt yên, que chéo, que ngang), phuộc/fork và 2 bên giò đạp. Vì nếu mang vác thùng xe lên xuống máy bay sẽ không tránh khỏi va đập, nên nếu kỹ hơn nữa, bạn cũng có thể bọc xốp/mút lại tay đề, tay thắng, cùi đề líp sau.
B. Đối với các dòng xe đạp gấp (size bánh 16"/20"):
Không cần tháo bánh xe trước.
Chỉ cần gấp gọn lại vào đặt vào thùng.
Cần tháo pedal (bàn đạp).
Cần xì hơi lốp xe.
Cần chèn các tấm mút hoặc xốp che vị trí trên khung sườn (sườn ngang, sườn cốt yên, que chéo, que ngang), fork và 2 bên giò đạp. Vì nếu mang vác thùng xe lên xuống máy bay sẽ không tránh khỏi va đập, nên nếu kỹ hơn nữa, bạn cũng có thể bọc xốp/mút lại tay đề, tay thắng.
2. Đường bộ - Xe khách, xe tải,... Khi di chuyển bằng xe khách mà bạn và chiếc xe sẽ đi cùng chuyến xe, không nhất thiết phải đóng thùng carton xe, thứ nhất là các hãng xe sẽ không yêu cầu điều đó và thứ hai là chiếc xe sau khi đặt vào gầm cũng sẽ không xê dịch thêm cho đến cuối hành trình của bạn.
Tuy vậy, bạn cũng cần phải tháo gỡ chiếc xe theo giống các bước bằng đường hành không, lý do chủ yếu là để thu gọn lại thể tích chiếc xe để lọt vào gầm xe, không va quẹt với các hành lý khác. Lưu ý là bắt buộc phải tháo bánh trước đối với các dòng xe đạp bánh lớn nhé! Vì không phải đóng thùng, nên bạn phải làm kỹ công đoạn bọc mút/xốp xung quanh xe để tránh bị trầy xước & hư hỏng phụ tùng xe nhé!
Chi phí dao động từ 100,000 - 150,000đ/xe và cũng phải thông báo trước cho nhà xe khi đặt mua vé, lý do là để nhà xe chuẩn bị không gian cần thiết để chứa chiếc xe đạp của bạn. Tất cả các hãng xe khách đều chấp nhận cho mang theo xe đạp cùng chuyến với bạn.
Và ở phần cuối cùng mình muốn chia sẻ về bộ miếng dán bảo vệ xe đạp CycleWrap sẽ giúp hạn chế tối đa trầy xước xe đạp do vận chuyển bằng cách dán trực tiếp lên toàn bộ sườn xe và các phụ tùng (giò đạp, phuộc, fork).
Với chất liệu PolyUrethane & Poly Vinyl Chloride được sử dụng trong bảo vệ xe ô tô và có nhiều mẫu mã phù hợp cho từng dòng xe đạp khác nhau như: 1. Xe đạp địa hình - MTB
2. Xe đạp du lịch - Touring/Gravel bike
3. Xe đạp đua - Road bike
4. Xe đạp gấp - Folding bike
Miếng dán bảo vệ chống trầy xước xe đạp CycleWrap chắc chắn sẽ giúp bạn quẳng đi nỗi lo để tự tin trên hành trình du lịch khám phá miền đất mới bằng xe đạp.
Chúc bạn sẽ có những chuyến đi du lịch thật ý nghĩa!
Comments