top of page

Trầy xước xe đạp làm sao hết? | How to fix scratches on bicycles? | Bảo dưỡng xe đạp

Đã từng sử dụng xe máy hay xe ô tô, ắt hẳn vấn đề trầy xước sơn là một điều vô cùng quen thuộc với bất kỳ ai. Dù bạn là người kỹ lưỡng thế nào thì chắc chắn sẽ gặp phải nhiều tình huống khách quan làm trầy xước sơn chiếc xe của bạn.

Và xe đạp không loại trừ khỏi vấn đề đó, tuy nhiên với những chiếc xe có giá trị tầm trung trở xuống (khoảng dưới 4 triệu), hay còn được gọi là xe cỏ, hay cả những chiếc xe bãi thì thật sự rất ít ai quan tâm và thường là mặc kệ. Trái lại, những ai sở hữu chiếc xe đạp giá trị từ khoảng 7 - 8 triệu trở lên sẽ bắt đầu quan tâm việc làm sao để bảo vệ chiếc xe tốt hơn, đặc biệt là lúc vừa mới mua.

Nếu bạn đã mua một chiếc xe đạp cũng lâu rồi, và ban đầu cũng chưa quan tâm bảo vệ chúng, dẫn đến sau khi sử dụng một thời gian bắt đầu có các dấu hiệu trầy xước sơn xe, làm mất đi vẻ đẹp vốn có ban đầu và có thể ảnh hưởng đến độ bền của sơn.


Có một vài trường hợp bạn có thể tự khắc phục trầy xước sơn xe đạp tại nhà mà không cần phải tốn công sức, thời gian và chi phí để mang ra các cửa hàng bảo dưỡng/sửa chữa đấy!


Đây là một chủ đề rộng, nếu phân tích kỹ có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian, nên phạm vi của bài viết này sẽ tập trung vào việc:

  1. Cấu tạo của sơn xe đạp (Bản chất để hiểu rõ nhiều thứ sau này)

  2. Nhận biết các trường hợp có thể xử lý tại nhà

  3. Bản chất của hai trường phái khắc phục trầy xước tại nhà

  4. Cách để không bị trầy xước lại sau khi khắc phục

Các bài viết tiếp theo có thể mình sẽ chia sẻ thêm các cách khắc phục các trường hợp trầy xước nặng (thường thì phải sơn lại thôi, nhưng chắc chắn chất lượng sẽ không được như nguyên bản của Hãng).


Đầu tiên cần hiểu rằng, sơn xe cơ bản có 3 lớp:

  • Lớp nền (lớp trong cùng)

  • Lớp màu (lớp giữa)

  • Lớp bóng (lớp ngoài cùng, thường = 1/3 độ dày tổng lớp sơn)

Trung bình lớp sơn sẽ có độ dày khoảng 90um (90 micron hay 0,09mm), lớp bóng sẽ độ dày dao động 30 - 50um, khi một vết xước xảy ra, lấy móng tay sờ vào vết xước nếu móng tay hơi bị giữ lại được thì vết xước đã khá sâu và có thể đã quá sâu, không xử lý tại nhà được, cũng không nên cố xoá vì sẽ ảnh hưởng đến lớp sơn lân cận.

Lý do tại sao mình nói như thế?

Các cách khắc phục mà không phải là sơn lại, đều chỉ có thể thực hiện được khi vết trầy xước chỉ sâu vào tới lớp bóng và chưa chạm đến lớp màu (được xem là trầy xước nhẹ, có thể xử lý tại nhà).

(Chia sẻ thêm ngoài lề là thường với các Hãng xe ô tô, khi đo thấy vết xước sâu vào hơn 30% lớp bóng thì họ sẽ không bảo hành cho nước sơn chiếc xe đó nữa, bởi chức năng của lớp lóng là bảo vệ lớp màu khỏi tác hại của tia UV, mưa acid dẫn đến phai màu)


Nhưng nếu vết xước đâm sâu vào tới lớp màu hoặc tới cả lớp nền, thì được xem là trầy xước nặng, bắt buộc bạn phải sơn lại, và sơn lại là 1 câu chuyện khác cùng với những vấn đề khác!

Bạn chỉ tốn thời gian, tiền bạc nếu cố xoá, và có thể dẫn đến làm mài mòn lớp bóng kế cận vết xước và mất đi khả năng bảo vệ lớp màu khỏi tác hại của tia UV, mưa acid.


(Xước nhẹ là chỉ xước trên bề mặt lớp bóng, khi này có thể dễ dàng xoá xước bằng nhiều cách để làm dịu vết xước, chứ không thể mất 100%)


Có 2 trường pháp khắc phục trầy xước sơn:

1. Bồi thêm lớp bóng

Cách này đơn giản là bạn sử dụng các dung dịch đánh bóng (polishing solution) đánh lên vết xước để lấp vào các rãnh vết xước có kích thước siêu nhỏ.

Đối với cách này, cần lưu ý phân biệt sơn xe thành 2 loại là sơn bóng (Gloss paint) và sơn nhám (Matte paint), vì chúng có cách xử lý khác nhau.

Lý do tại sao lại như thế?

Mình sẽ đưa lên 2 hình ảnh minh hoạ như vầy:

Hình 1. Sườn sơn bóng

Hình 2. Sườn sơn nhám

Nhìn vào hình có thể dễ dàng thấy sườn có sơn nhám có bề mặt gồ ghề do các hạt sơn siêu nhỏ (điều đó cũng dẫn đến ánh sạng bị tán xạ rất nhiều hướng làm ta cảm quan thấy độ nhám chứ không bóng, cũng như khi sờ vào sẽ thấy sần sùi), nếu như ta bôi các chất đánh bóng lên bề mặt sườn sơn nhám, vô tình ta đã lấp lại các hạt sơn này, lấp đi các rãnh gồ ghề, bề mặt lúc này sẽ trơn nhẵn, ánh sáng sẽ tán xạ cùng hướng nhiều hơn, dẫn đến chuyển từ hệ sườn sơn nhám thành... hệ sườn sơn bóng.

Vì vậy, đối với sườn sơn bóng, bạn có thể sử dụng các sáp đánh bóng dạng rắn (Solid wax) để làm dịu đi vết xước.

Còn đối với sườn sơn nhám, bạn nên sủ dụng các loại sáp đánh bóng dạng lỏng (Liquid wax/Thinner wax), vẫn đảm bảo làm dịu đi vết xước nhưng không bồi lên một lớp quá dày làm che đi các hạt sơn siêu nhỏ.


Ngoài ra, có một cách dễ dàng hơn rất nhiều dành cho những ai muốn nhanh chóng, không phức tạp là dán lên miếng dán trong suốt, phần nào nó cũng tương tự như phủ lớp sáp, chính độ bóng của miếng dán sẽ làm dịu đi cảm quan về vết xước khi không nhìn quá gần, quá kỹ.

Đối với sườn sơn nhám cũng hoàn toàn có thể áp dụng cách này, vì sẽ có những loại miếng dán mờ/nhám đồng bộ với hệ sơn nhám của xe (Thường thấy ở miếng dán PPF - Paint Protection Film, sử dụng để bọc xe ô tô). Nhược điểm của cách này là bạn phải bắt buộc dán toàn bộ vị trí que sườn bị trầy xước đó, ví dụ như sườn trên (top tube) bị trầy thì phủ toàn bộ sườn trên này.


2. Mài mòn lớp bóng

Cách này chỉ nên sử dụng khi không thể xoá vết xước bằng cách trên bởi nó sẽ làm mài mòn lớp bóng, vốn dĩ là thứ bảo vệ lớp màu tránh bị phai mờ do tia UV, mưa acid.

Bạn cần sử dụng loại giấy nhám, có độ mịn 1200 - 1500, đánh nhẹ vòng tròn chỗ vết trầy, không được lan ra chỗ khác quá nhiều và cũng không đánh quá mạnh, chỉ vừa đủ bong ra bụi trắng (đó chính là lớp bóng).

Tiếp theo lấy dung dịch đánh bóng phù hợp bôi lên và dùng khăn khô đánh thật mạnh, sau đó đưa nắng phơi và lại tiếp tục bôi và đánh dung dịch đánh bóng vài lần nữa để làm mờ vết xước hết mức có thể.


Và cuối cùng, khi bạn đã thành công làm mờ đi vết xước trên sườn xe đạp, điều quan trọng phải làm chính là đảm bảo không bị trầy xước lại vị trí đó vì lớp bóng tại đó đã mỏng đi bằng cách bọc miếng dán trong suốt bảo vệ, trên thị trường có vô vàn các sản phẩm miếng dán trong suốt, từ các chất liệu có chất lượng thấp như decal thông thường, cho đến chất liệu Poly Vinyl Chloride/PVC/Vinyl và cao cấp nhất là PolyUrethane/PU/PPF.

Tại CycleWrap, tụi mình cung cấp loại miếng dán bảo vệ có chất lượng tốt sử dụng chất liệu PolyUrethane và được thiết kế riêng cho các dòng xe đạp để việc tự dán tại nhà dễ dàng hơn:

1. Xe đạp địa hình - Mountain Bike

2. Xe đạp đua - Commuter Road Bike

3. Xe đạp du lịch - Touring/Gravel Bike

4. Xe đạp gấp - Folding Bike


Tốt nhất bạn nên có cách bảo vệ xe đạp ngày từ khi mới mua, và sử dụng miếng dán bảo vệ chống trầy xước CycleWrap là một trong những cách tốt nhất và thẩm mỹ nhất để bảo tồn vẻ đẹp mới mua của chiếc xe đạp trong thời gian lâu dài.

Comments


bottom of page